Đi tiểu ra máu ở nữ cảnh báo bệnh lý gì?
- Người viết: Y Tế Việt - Nga lúc
- Kiến thức sức khỏe
Trong nước tiểu bình thường không nhìn thấy máu và cả kể tế bào máu. Vì vậy, không khỏi trách nhiều người lo lắng khi thấy máu trong nước tiểu. Đặc biệt tình trạng này ở nữ giới còn có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một số vấn đề sức khỏe bất thường. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu tình trạng đi tiểu ra máu ở nữ là bệnh lý gì để biết cách xử trí nếu gặp phải tình trạng này, bạn nhé!
Hiểu rõ tiểu máu là gì?
Trước tiên, bạn hãy chắc chắn màu sắc bất thường trong nước tiểu là do máu tạo thành. Trường hợp âm đạo hoặc hậu môn chảy máu cũng thường gây nhầm lẫn với tình trạng đi tiểu ra máu ở nữ giới. Bên cạnh đó, một số loại thức ăn, nước uống và thuốc men có màu đỏ cũng có thể làm cho nước tiểu có màu của máu.
Tiểu ra máu được định nghĩa là tế bào máu xuất hiện trong nước tiểu. Khi dễ dàng quan sát máu trong nước tiểu bằng mắt thường thì còn gọi là tiểu máu đại thể. Tiểu máu vi thể là thể bệnh mà các tế bào máu chỉ có thể xác định được trên kính hiển vi.
Cho dù đi tiểu ra máu ở nữ thuộc loại tiểu máu nào, bạn đều cần phải đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân gây bệnh và điều trị (nếu cần). Ngoài ra, bác sĩ cần thăm khám để xác định hoặc loại trừ trường hợp ung thư gây tiểu máu.
Đi tiểu ra máu ở nữ là bệnh lý gì?
Nguyên nhân đi tiểu ra máu ở nữ khác so với nam giới. Đôi khi, rất khó để xác định máu trong nước tiểu của phụ nữ đến từ đâu bởi rất dễ bị nhầm lẫn với kinh nguyệt hoặc các vấn đề gây chảy máu âm đạo khác. Dưới đây là một số nguyên nhân liên quan đến tiểu máu ở nữ:
- Viêm bàng quang, thường đi kèm cảm giác đau rát khi đi tiểu.
- Nhiễm trùng thận, thường đi kèm với triệu chứng đau ở bên bụng và sốt.
- Sỏi thận cũng là nguyên nhân dẫn đến đi tiểu ra máu ở nữ.
- Ung thư bàng quang là nguyên nhân đi tiểu ra máu phổ biến hơn ở những bệnh nhân trên 50 tuổi, đồng thời xuất hiện đi tiểu thường xuyên và tiểu buốt (đau khi đi tiểu).
- Ung thư thận cũng là một bệnh lý có triệu chứng đi tiểu ra máu, có nguy cơ gặp phải ở những người bệnh trên 50 tuổi. Đi kèm với tiểu máu, bệnh có thể gây đau dai dẳng ở khu vực dưới xương sườn và khối u nổi nên ở vùng dạ dày.
- Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh nang thận hoặc các rối loạn di truyền tương tự.
- Xuất hiện khối u trong bàng quang hoặc thận.
- Chấn thương gây tổn thương thận, do tai nạn hoặc va đập.
- Tập thể dục nặng đôi khi sẽ dẫn tới tiểu máu đại thể. Nguyên nhân của tình trạng này vẫn chưa rõ nhưng có thể do bàng quang bị tổn thương, cơ thể mất nước hoặc các tế bào hồng cầu gặp sự cố. Thông thường, các trường hợp đi tiểu máu ở nữ do tập thể dục nặng xảy ra ở các vận động viên.
Tiểu máu ở nữ, cần làm gì?
Khi đi tiểu ra máu mà không phải kỳ hành kinh, chị em phụ nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Bên cạnh thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu hay các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác để tìm ra nguyên nhân tại sao có máu trong nước tiểu.
Các phương pháp điều trị sẽ được quyết định dựa trên nguyên nhân gây tiểu máu. Nếu phát hiện ổ nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Một số trường hợp đặc biệt sau đây có thể cần được theo dõi đặc biệt:
- Quan sát thấy máu trong nước tiểu và không có dấu hiệu nhiễm trùng.
- Bệnh nhân trên 40 tuổi và tiểu ra máu liên tục, kéo dài.
- Bệnh nhân trên 50 tuổi và đi tiểu ra máu không rõ nguyên do.
- Xác định có khối u trong dạ dày của bệnh nhân.
- Tiểu máu vi thể và có protein trong nước tiểu
Đôi khi nguyên nhân dẫn đến đi tiểu ra máu ở nữ giới không thể xác định. Trong trường hợp đó, bác sĩ có thể khuyên nên kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là nếu có yếu tố nguy cơ ung thư bàng quang, chẳng hạn như người bệnh trên 50 tuổi, hút thuốc lá, tiếp xúc với chất độc môi trường và người bệnh có tiền sử điều trị với các liệu pháp bức xạ.
Tóm lại, đi tiểu ra máu ở nữ không liên quan đến kỳ hành kinh hay chảy máu trực tràng có thể là một tình huống gây hoang mang nhưng không hẳn là một tình trạng cần phải cấp cứu. Bạn cần bĩnh tĩnh trước tình huống này và quan trọng là cần nhanh chóng đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt, để được thăm khám và đưa ra hướng điều trị phù hợp.