Nằm điều hòa nhiều - Nguyên nhân khiến bạn thường xuyên đau họng
- Người viết: Y Tế Việt - Nga lúc
- Kiến thức sức khỏe
Trong những ngày mùa hè nắng nóng thì máy điều hòa là một trong những “vị cứu tinh” của nhiều gia đình. Tuy nhiên, việc sử dụng máy điều hòa liên tục cũng được cho là góp phần gây ra nhiều vấn đề đường hô hấp, bao gồm đau họng. Vì sao nằm điều hòa bị đau họng? Cách để ngủ máy lạnh không bị đau họng là như thế nào?
Vì sao nằm điều hòa bị đau họng? Điểm mặt 3 nguyên nhân chính
1. Thiếu độ ẩm trong không khí
Tình trạng ngủ nằm điều hòa bị đau họng có thể do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chính là do không khí khô, thiếu độ ẩm. Theo cơ chế hoạt động của máy điều hòa thì không khí bên ngoài khi đi qua bộ lọc sẽ được làm mát hoặc làm ấm sau đó thổi vào phòng. Nhưng đồng thời luồng không khí này cũng khô hơn và chính chúng đã kích thích niêm mạc ở đường hô hấp gây khô rát họng, đau họng, ho và sổ mũi, nghẹt mũi…
Ngoài ra, sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa môi trường trong và ngoài phòng cũng kích thích niêm mạc đường hô hấp, tăng tần suất đau họng do nằm điều hòa.
2. Các tác nhân gây bệnh được phát tán trong không khí
Việc ngủ hay sinh hoạt trong môi trường có sử dụng điều hòa không phải là nguyên nhân trực tiếp gây đau họng. Nhưng nếu bạn dùng điều hòa liên tục mà không vệ sinh, bảo trì thì bộ lọc không khí của máy sẽ tích tụ rất nhiều bụi bẩn, kể cả vi khuẩn, virus và nấm mốc. Những tác nhân này sẽ được phát tán vào không khí trong phòng, bám lên quần áo, đồ vật… và nếu hít phải bạn có thể bị viêm đường hô hấp hoặc bị kích ứng đường hô hấp gây đau họng.
3. Nguyên nhân khác
Ngoài 2 nguyên nhân cơ bản kể trên, việc bạn nằm điều hòa bị đau họng cũng có thể do những nguyên nhân như:
- Thói quen mở miệng khi ngủ: Thói quen này thường xuất hiện ở người mắc chứng ngưng thở khi ngủ, cũng là nguyên nhân làm khô cổ họng dẫn đến đau họng.
- Trào ngược dạ dày thực quản về đêm thường dễ xảy ra hơn, đây cũng là một trong các nguyên nhân làm tổn thương niêm mạc cổ họng dẫn đến viêm, sưng đỏ và đau.
Mách bạn 4 cách nằm điều hòa không bị đau họng
Đến đây hẳn bạn đã biết máy lạnh không phải là “thủ phạm” gây ra triệu chứng đau họng, nghẹt mũi hay ho, nhưng nếu bạn sử dụng máy lạnh không đúng cách thì tình trạng này sẽ diễn ra thường xuyên. Để nằm điều hòa mà không bị đau họng, hãy lưu ý những điều sau:
1. Kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm trong phòng
Khi sử dụng điều hòa trong phòng, bạn nên điều chỉnh nhiệt độ khoảng 27-28 độ C. Đây được xem là ngưỡng nhiệt độ an toàn cho biểu mô niêm mạc đường hô hấp. Đặc biệt nếu nhà có trẻ nhỏ thì bạn chỉ nên duy trì nhiệt độ trong phòng ở mức khoảng 28 độ C.
Ngoài ra, để giảm thiểu tình trạng nằm điều hòa bị đau họng, bạn cần bổ sung độ ẩm cho không khí trong phòng bằng cách:
- Đặt một chậu nước sạch trong phòng, có thể thêm một vài cánh hoa hoặc tinh dầu.
- Trang bị máy phun sương tạo độ ẩm có kết hợp với bộ lọc không khí.
2. Không nên nằm điều hòa quá lâu
Khi nằm máy lạnh, chúng ta thường có xu hướng ngủ mở miệng, nếu nằm lâu sẽ khiến cổ họng dễ bị khô và đau rát. Vậy nên lời khuyên là bạn nên dùng chế độ hẹn giờ để đảm bảo chỉ mở máy lạnh tối đa khoảng 6 giờ cho mỗi đêm, ngoài ra kết hợp với quạt máy để tăng thông khí cho phòng ngủ.
3. Thường xuyên kiểm tra vệ sinh máy lạnh
Thực tế là tùy vào công suất, thời gian sử dụng mà máy lạnh trong gia đình bạn nên được kiểm tra và vệ sinh từ 1-2 lần. Đối với những văn phòng công ty gần như phải bật điều hòa 24/24 thì ít nhất mỗi 3 tháng nên được kiểm tra và vệ sinh bộ lọc một lần.
Đồng thời thường xuyên vệ sinh nhà cửa, văn phòng để tránh cho bụi bẩn, nấm mốc và các tác nhân gây bệnh có cơ hội “trú ngụ” và phát triển.
4. Giải quyết những nguyên nhân gây đau họng khác
Để cải thiện tình trạng nằm điều hòa bị đau họng, bạn cần xác định nguyên nhân trực tiếp để loại bỏ chúng, chẳng hạn như:
- Điều trị các vấn đề sức khỏe như chứng ngưng thở khi ngủ, trào ngược dạ dày (nếu có).
- Loại bỏ các nguồn gây dị ứng như lông động vật, phấn hoa, nước hoa…
- Uống đủ nước, hạn chế uống nhiều trà, cà phê, rượu và các loại đồ uống có tính axit khác.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Nếu tình trạng đau họng không liên quan đến virus kéo dài hoặc triệu chứng đau họng không cải thiện dù bạn đã áp dụng các biện pháp giảm nhẹ triệu chứng tại nhà thì nên nhanh chóng đi khám.
Ngoài ra, nếu bạn nằm điều hòa bị đau họng đồng thời là người hút thuốc, uống rượu hay bị trào ngược dạ dày thì nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Nguyên nhân là bởi đôi khi triệu chứng đau họng hay khó nuốt là có thể là dấu hiệu cảnh báo mà bạn không nên chủ quan.