NGƯỜI LỚN HẮT HƠI SỔ MŨI UỐNG THUỐC GÌ?
- Người viết: Y Tế Việt - Nga lúc
- Kiến thức sức khỏe
Hắt hơi sổ mũi triệu chứng tự nhiên của cơ thể giúp chống lại những tác nhân gây hại. Tuy không hắt hơi sổ mũi thường xuyên sẽ gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Khi gặp dấu hiệu như vậy thì cần uống thuốc gì? Hay ho sổ mũi uống thuốc gì? Để trả lời cho câu hỏi này, mời bạn tìm hiểu bài viết sau đây.
1. Nguyên nhân người lớn bị hắt hơi sổ mũi?
Theo các chuyên gia, hắt hơi sổ mũi không phải là bệnh mà chỉ là một triệu chứng, có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại bên ngoài, đặc biệt là có nhiệm vụ tống xuất các vi khuẩn gây bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến hắt hơi sổ mũi có thể là do cảm cúm thông thường hoặc nhiễm trùng hô hấp trên do virus, khi đó bệnh nhân còn kèm theo nhiều triệu chứng khác như sốt, đau họng, đau đầu, nghẹt mũi, ho hoặc khàn tiếng. Đặc biệt hắt hơi sổ mũi có thể là biểu hiện của tình trạng viêm mũi dị ứng theo mùa lành tính.
Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể khiến người lớn bị hắt hơi sổ mũi như:
Thay đổi thời tiết thất thường khiến cơ thể khó thích nghi
Ô nhiễm môi trường, tiếp xúc với hóa chất hoặc chất thải
Niêm mạc mũi suy yếu
Cơ địa dị ứng với khói bụi, nấm mốc, phấn hoa, lông thú...
Ảnh hưởng của các chất kích thích như khói thuốc lá
Khi có những triệu chứng này cho thấy sức đề kháng của cơ thể có vấn đề, hệ thống miễn dịch đã bị suy yếu khiến virus dễ dàng tấn công và gây bệnh. Khi gặp phải triệu chứng này, người bệnh có thể tìm hiểu về các thuốc sổ mũi người lớn để kiểm soát sớm và mau chóng hồi phục.
2. Người lớn hắt hơi sổ mũi uống thuốc gì?
Người lớn hắt hơi sổ mũi uống thuốc gì là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm, đặc biệt trong những thời điểm chuyển mùa trong năm. Theo bác sĩ, người bệnh thường không chỉ hắt hơi sổ mũi đơn thuần, thay vào đó sẽ kèm theo các triệu chứng cảm cúm khác. Do đó việc điều trị cần sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau, cụ thể như sau:
2.1. Thuốc kháng histamin
Nhóm kháng histamin được đánh giá là thuốc sổ mũi người lớn hiệu quả nhất. Bên cạnh tác dụng giảm hắt hơi, sổ mũi, thuốc kháng Histamin còn có thể giúp bệnh nhân giảm ho nhanh chóng. Các sản phẩm trị ho, hắt hơi sổ mũi và cảm lạnh trên thị trường hiện nay thường chứa các hoạt chất kháng histamin như Chlorpheniramine và Brompheniramine.
Tuy nhiên, tác dụng phụ phổ biến của các hoạt chất kháng Histamin là gây buồn ngủ. Do đó người lớn bị hắt hơi sổ mũi khi sử dụng nhóm thuốc nào chú ý không nên lái xe, vận hành máy móc phức tạp hoặc làm những công việc đòi hỏi sự tỉnh táo. Bên cạnh đó, nhóm kháng histamin cũng không nên được sử dụng để điều trị triệu chứng ho có đờm.
2.2. Thuốc giảm đau, hạ sốt
Mặc dù không trực tiếp giảm hắt hơi sổ mũi nhưng các thuốc giảm đau, hạ sốt như Paracetamol, Aspirin và Ibuprofen có thể giúp kiểm soát nguyên nhân gây hắt hơi sổ mũi (đa phần là cảm cúm), qua đó giúp triệu chứng nhanh chóng biến mất.
Khi sử dụng nhóm thuốc này, người lớn bị hắt hơi sổ mũi cần lưu ý đến những tác dụng phụ có thể xảy ra. Trong đó Paracetamol thường ảnh hưởng đến chức năng gan khi dùng quá liều khuyến cáo, trong khi Aspirin và Ibuprofen (thuốc nhóm kháng viêm không steroid NSAID) đều có nguy cơ gây kích ứng niêm mạc dạ dày.
2.3. Thuốc giảm ho
Một trong những nguyên nhân khiến người lớn bị hắt hơi sổ mũi là cảm lạnh, do đó hầu hết bệnh nhân sẽ kèm theo biểu hiện ho. Vì vậy câu hỏi người lớn hắt hơi sổ mũi có thể uống thuốc giảm ho. Nhóm thuốc này ức chế phản xạ ho bằng cách tác động trực tiếp vào trung tâm ho ở hệ thần kinh trung ương, bao gồm Codein, Pholcodin và Dextromethorphan.
Tác dụng phụ thường gặp của Codein là táo bón, buồn ngủ. Trong khi đó, Pholcodine và Dextromethorphan mặc dù ít gây tác dụng phụ hơn nhưng lại có nguy cơ gây buồn ngủ hoặc lệ thuộc. Do đó người lớn bị hắt hơi sổ mũi khi uống thuốc giảm ho cũng không nên lái xe hoặc vận hành máy móc như khi uống các thuốc kháng Histamin.
Lưu ý: Các thuốc giảm ho trên đây chỉ dùng để điều trị ho khan. Trường hợp ho có đờm thì không nên dùng, đặc biệt người có tiền sử hen và COPD cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước dùng Dextromethorphan.
2.4. Thuốc thông mũi
Người lớn bị hắt hơi sổ mũi thường kèm theo triệu chứng nghẹt mũi rất khó chịu. Do đó việc sử dụng thuốc thông mũi là cần thiết. Nhóm thuốc này có tác dụng gây co mạch, qua đó giúp giảm sưng niêm mạc mũi và giảm khó thở.
Các thuốc thông mũi hay được sử dụng bao gồm Pseudoephedrine, Ephedrine và Phenylephrine. Tuy nhiên nhóm thuốc này thường gây tăng huyết áp, tăng nhịp tim và tăng sự tỉnh táo, dẫn đến khó ngủ nếu bệnh nhân uống vào cuối ngày. Vì vậy người có tiền sử tăng huyết áp và tăng nhãn áp trước khi sử dụng cần tham khảo và nhận được tư vấn của bác sĩ vì có thể cần kết hợp các biện pháp dự phòng đặc biệt.
3. Những lưu ý khi sử dụng thuốc hắt hơi sổ mũi
Bên cạnh các loại thuốc sử dụng khi hắt hơi sổ mũi, bạn cũng cần nắm được một số lưu ý sau khi sử dụng các thuốc hắt hơi sổ mũi:
Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh để điều trị cảm cúm và hắt hơi sổ mũi. Thuốc kháng sinh chỉ có hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn và hoàn toàn không có tác dụng với virus gây cảm cúm. Vì thế, người lớn bị hắt hơi sổ mũi không được sử dụng kháng sinh bừa bãi và chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ trong những trường hợp cảm cúm nặng kèm theo bội nhiễm vi khuẩn.
Không sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc trị hắt hơi sổ mũi có tác dụng phụ an thần hoặc gây buồn ngủ.
Nếu người lớn bị hắt hơi sổ mũi cần sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc thì nên lưu ý các thành phần có trong các sản phẩm này.
Không chủ quan và cho rằng thuốc không cần kê đơn là an toàn, thay vào đó bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào đồng thời tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ khi có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào xảy ra.
Các thuốc trị hắt hơi sổ mũi ở người lớn có thể tương tác với các loại thuốc khác, do đó cần thận trọng để tránh những vấn đề không mong muốn xảy ra.