NHỮNG LƯU Ý KHI ĐI KHÁM PHỤ KHOA LẦN ĐẦU TIÊN
- Người viết: Y Tế Việt - Nga lúc
- Kiến thức sức khỏe
Khám phụ khoa là việc làm rất cần thiết với phụ nữ, đặc biệt những ai trong độ tuổi sinh sản. Khi khám phụ khoa lần đầu, không ít người có tâm lý lo ngại. Tuy nhiên quá trình khám rất đơn giản, nhanh chóng và không gây nhiều đau đớn.
1. Khi nào nên khám phụ khoa lần đầu?
Phụ nữ nên bắt đầu thực hiện lần khám phụ khoa đầu tiên trong độ tuổi từ 13 đến 15 tuổi. Trên thực tế, nhiều chị em phụ nữ thường cảm thấy lo lắng trước khi quyết định đi khám phụ khoa lần đầu tiên trong đời.
Đó là điều bình thường. Nếu có thể, chị em nên trao đổi với người thân gia đình, cha mẹ vì điều này sẽ giúp mang lại cảm giác thoải mái hơn. Trong lúc khám, bạn cũng có thể bày tỏ cảm giác lo lắng để bác sĩ biết và tìm cách trấn an tinh thần cho bạn.
2. Khám phụ khoa lần đầu được thực hiện thế nào?
Khám phụ khoa lần đầu tiên đơn thuần chỉ là một cuộc nói chuyện giữa bạn và bác sĩ. Tuy nhiên, bác sĩ cũng có thể chỉ định cho bạn thực hiện một số xét nghiệm nhất định.
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ thường sẽ hỏi rất nhiều câu hỏi về bản thân bạn và gia đình. Một trong số chúng có thể liên quan đến vấn đề cá nhân, chẳng hạn như chu kỳ kinh nguyệt hoặc thói quen sinh hoạt tình dục (bao gồm cả quan hệ tình dục qua đường âm đạo, đường miệng hoặc qua hậu môn). Nếu lo lắng về vấn đề bảo mật thông tin, hãy thẳng thắn trao đổi với bác sĩ trước khi trả lời bất kỳ câu hỏi nào để đảm bảo thông tin được giữ bí mật.
3. Những xét nghiệm được thực hiện khi khám phụ khoa
Đôi khi bạn phải thực hiện một số kiểm tra lâm sàng ngay trong lần đầu tiên đi khám phụ khoa. Nếu lo ngại, bạn có thể đề nghị cho người thân gia đình cùng tham gia vào quá trình thực hiện. Thông thường, bác sĩ sẽ thực hiện:
- Khám sức khỏe tổng quát: Bao gồm đo chiều cao, cân nặng, đo huyết áp và kiểm tra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào mà bạn có thể đang mắc phải.
- Khám bộ phận sinh dục ngoài: Bác sĩ sẽ quan sát âm hộ và xác định một vài vấn đề bất thường nếu có. Bạn có thể được cung cấp một tấm gương để trực tiếp nhìn vào các vị trí trên âm hộ của mình. Đây là cơ hội tốt để tìm hiểu về cơ thể của chính bạn và tên gọi của từng chi tiết trên bộ phận sinh dục.
Thường thì bạn không cần phải thăm khám vùng chậu trong lần khám phụ khoa đầu tiên trừ khi bạn đang có vấn đề bất thường, chẳng hạn như có hiện tượng chảy máu hoặc đau bất thường. Nếu bạn đã có quan hệ tình dục, thì các xét nghiệm đối với một số bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ cần thiết phải thực hiện. Hầu hết các xét nghiệm cần thực hiện đối với thanh thiếu niên trong độ tuổi teen đều cần phải lấy mẫu nước tiểu. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị tiêm phòng một số loại vắc xin nhất định.
4. Thăm khám vùng chậu và làm xét nghiệm Pap
Hầu hết các trường hợp khám phụ khoa lần đầu đều không cần phải thăm khám vùng chậu, tuy nhiên bạn vẫn nên biết đó là gì. Một xét nghiệm khác mà bạn sẽ phải thực hiện sau này (ở tuổi 21) là xét nghiệm Pap. Xét nghiệm này sẽ kiểm tra những thay đổi bất thường ở cổ tử cung mà có thể dẫn đến ung thư.
Thăm khám vùng chậu được chia làm ba bước:
- Quan sát âm hộ
- Quan sát âm đạo và cổ tử cung với với sự hỗ trợ của mỏ vịt (là một dụng cụ y khoa giúp mở rộng âm đạo để bác sĩ có thể quan sát và thăm khám bên trong)
- Kiểm tra các cơ quan nội tạng bằng găng tay
Khi bạn làm xét nghiệm Pap, các bước cũng diễn ra tương tự, tuy nhiên bác sĩ sẽ phải sử dụng một bàn chải nhỏ để lấy ra một mẫu tế bào từ cổ tử cung để đem đi xét nghiệm.
Để kiểm tra các cơ quan nội tạng, bác sĩ sẽ đeo một chiếc găng tay, bôi trơn phần đầu của một hoặc hai ngón tay và đưa vào âm đạo, lên đến phần cổ tử cung. Mặt khác, bác sĩ sẽ ấn vào bụng từ bên ngoài. Thao tác này để kiểm tra vấn đề bất thường ở khu vực cổ tử cung.
5. Tiêm vắc xin phòng bệnh
Tiêm phòng vắc-xin là quy trình cần thiết đối với tất cả mọi người, nhất là trẻ em khi đã đủ tuổi, để bảo vệ cơ thể chống lại một số bệnh nhiễm. Các loại vắc-xin cơ bản sau đây được tiêm cho tất cả phụ nữ trẻ từ 11 - 18 tuổi:
- Vắc xin phòng bệnh uốn ván, bạch hầu, ho gà
- Vắc-xin HPV (Human papillomavirus vaccine)
- Vắc-xin viêm màng não
- Vắc-xin cúm (tiêm phòng hàng năm)
Ngoài các loại vắc-xin thường quy kể trên, một số loại vắc-xin đặc biệt sau đây có thể được cung cấp cho những phụ nữ trẻ có nguy cơ cao mắc một số bệnh lý, bao gồm:
- Vắc-xin phòng bệnh viêm gan A
- Vắc-xin phế cầu khuẩn
6. Nên trao đổi điều gì trong lần thăm khám phụ khoa lần đầu
Bé gái trước và trong độ tuổi dậy thì cần phải quan tâm và chủ động tìm hiểu cũng như tham khảo ý kiến của bác sĩ về những vấn đề sức khỏe quan trọng. Những vấn đề nên được trao đổi trực tiếp với bác sĩ trong lần khám phụ khoa đầu tiên, bao gồm:
- Chuột rút và các vấn đề liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt
- Mụn trứng cá
- Cân nặng
- Tình dục và giới tính
- Biện pháp ngừa thai
- Các bệnh lây qua đường tình dục
- Rượu, ma túy và thuốc lá
- Khả năng kiểm soát cảm xúc
7. Khám phụ khoa định kỳ bao lâu một lần?
Việc khám phụ khoa định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh lý liên quan đến cơ quan sinh sản ở nữ giới để kịp thời phát hiện và điều trị, đặc biệt là bệnh ung thư ở giai đoạn sớm. Thời điểm chữa trị thường ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị, do đó chị em nên hình thành thói quen khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng hoặc 1 năm để phòng ngừa tốt các vấn đề bệnh lý và đảm bảo chức năng sinh sản cũng như sức khỏe tổng quát đều ở mức tốt.
Để được tư vấn và đặt lịch khám, vui lòng liên hệ Hotline 1900 3130
#kham_phu_khoa #top_dia_chi_kham_phu_khoa