NHỒI MÁU CƠ TIM - NHẬN BIẾT SỚM ĐỂ ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ

Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý tim mạch phổ biến không chỉ ở các nước phát triển mà còn ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim đã giảm nhờ sự tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, nhưng hậu quả và biến chứng sau vẫn là một vấn đề đáng lo ngại. Hãy cùng tìm hiểu với các chuyên gia y tế về khái niệm và cách điều trị hiệu quả cho nhồi máu cơ tim.

1. Nhồi máu cơ tim là gì?

Tim có vai trò quan trọng trong việc bơm máu đến các cơ quan khác. Tim được cung cấp oxy và các dưỡng chất từ 2 nhánh mạch máu: động mạch vành trái và động mạch vành phải.

Hiện tượng Nhồi máu cơ tim là tình trạng xảy ra khi 1 hoặc cả 2 nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột, dẫn đến tình trạng cơ tim không nhận đủ máu, và có khả năng bị hoại tử cơ tim. Khi 1 vùng cơ tim chết do thiếu máu, chức năng bơm máu của tim sẽ không bị suy giảm hơn trước, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như suy tim, đột tử,...

2. Triệu chứng nhồi máu cơ tim

Các triệu chứng của nhồi máu cơ tim cấp có thể bao gồm:

● Lo âu, cảm giác hồi hộp.

● Đau ngực, với mức độ có thể thay đổi từ cảm giác đè nặng hoặc nóng rát phía trước ngực bên trái đến đau dữ dội giống như bị dao đâm hoặc siết chặt. Đau có thể lan ra cổ, hàm dưới, vai bên trái, lưng, bụng hoặc cánh tay bên trái. Thời gian đau có thể kéo dài hơn 20 phút.

● Khó thở.

● Cảm giác hoa mắt, chóng mặt.

● Buồn nôn hoặc nôn mửa.

● Tăng hoặc giảm huyết áp.

● Tay và chân có thể trở nên lạnh và ẩm.

● Trở nên bị kích thích, lo lắng hoặc hoảng sợ.

● Có thể dẫn đến mất ý thức hoặc đột tử cơ tim.

Ở một số trường hợp, người bệnh có thể không trải qua tất cả các triệu chứng mô tả ở trên, chỉ cảm thấy mệt mỏi hoặc không thoải mái vùng thượng vị.

Một điều quan trọng cần lưu ý là không phải tất cả mọi người đều trải qua cùng một triệu chứng, và mức độ triệu chứng có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng, hoặc có thể có các trường hợp mà triệu chứng đầu tiên là sự ngừng lại của tim một cách đột ngột.

3. Nguyên nhân nhồi máu cơ tim

Nguyên nhân nhồi máu cơ tim phổ biến nhất là xơ vữa động mạch, xảy ra khi các mảng xơ tích tụ dần theo thời gian và bám vào thành mạch máu. Những thành phần của mảng xơ vữa thường bao gồm cholesterol, canxi, và các mảnh vỡ tế bào.

Nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp tính là giảm lưu lượng máu mạch vành dẫn đến thiếu máu cơ tim, xảy ra chủ yếu do tình trạng xơ vữa động mạch. 

Cơ tim được nuôi dưỡng bởi động mạch vành trái và động mạch vành phải. Khi các mảng xơ vữa hình thành trên động mạch vành, nó gây hẹp lòng động mạch làm giảm lưu lượng máu. Khi mảng xơ vữa bị vỡ sẽ tạo điều kiện hình thành cục máu đông lấp toàn bộ lòng mạch, gây ra cơn nhồi máu cơ tim cấp.

Thực tế, nếu mảng xơ vữa không vỡ ra mà cứ phát triển âm thầm gây hẹp thì cũng không gây ra nhồi máu cơ tim cấp. Nếu xơ vữa động mạch vỡ ít và cục máu đông được hình thành sau đó không lấp kín toàn bộ lòng mạch thì nó cũng không gây nhồi máu cơ tim cấp mà chỉ gây ra cơn đau thắt ngực không điển hình.

 

Các nguyên nhân khác có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim là:

- Thuyên tắc động mạch vành thứ phát

- Thiếu máu cục bộ do sử dụng ma túy (như cocaine, amphetamine, ephedrine)

- Co thắt mạch vành nguyên phát

- Dị tật mạch vành bẩm sinh

- Chấn thương mạch vành

- Viêm động mạch

- Các yếu tố làm tăng nhu cầu oxy (cường giáp, gắng sức nhiều, sốt)

- Các yếu tố làm giảm khả năng cung cấp oxy (vd: thiếu máu nặng)

- Bóc tách động mạch chủ

- Bệnh phổi cấp tính

4. Biến chứng nhồi máu cơ tim

Biến chứng nhồi máu cơ tim cấp thường do cơ tim bị tổn thương. Các biến chứng bao gồm:

  • Nhịp tim bất thường hoặc rối loạn nhịp: Tổn thương do nhồi máu cơ tim có thể ảnh hưởng đến cách thức các tín hiệu điện di chuyển trong tim, gây ra những thay đổi về nhịp tim (rối loạn nhịp). Một số trường hợp rất nghiêm trọng và gây chết người, đột tử.
  • Sốc tim: Tình trạng hiếm gặp này xảy ra khi tim đột ngột không thể bơm máu, xảy ra khi tổn thương khối lượng cơ tim lớn >40%.
  • Suy tim: Mô cơ tim bị tổn thương nhiều có thể khiến tim không thể bơm máu. Suy tim có thể tạm thời (suy tim cấp) hoặc lâu dài (mãn tính).
  • Viêm màng ngoài tim: Đôi khi nhồi máu cơ tim gây ra tình trạng phản ứng hệ thống miễn dịch bị lỗi. Tình trạng này được gọi là hội chứng Dressler (viêm tràn dịch màng ngoài tim sau nhồi máu cơ tim).
  • Ngưng tim: Tim bỗng nhiên ngừng đập mà không có bất cứ một tín hiệu nào báo trước. Sự thay đổi tín hiệu đột ngột của tim gây ngừng tim. Cơn nhồi máu cơ tim cấp làm tăng nguy cơ và đe dọa tính mạng người bệnh, có thể dẫn đến tử vong (đột tử do tim) nếu không được điều trị ngay lập tức.

5. Nhồi máu cơ tim sống được bao lâu?

Tỷ lệ sống của nam giới sau khi mắc bệnh nhồi máu cơ tim được thống kê như sau: 80% sống qua được một năm; 61,6% sống qua được năm năm; và 46,2% sống qua được mười năm. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong sớm ở phụ nữ cao hơn 45% so với nam giới.

Tuy nhiên, ngay cả sau khi được cứu sống, người bệnh vẫn phải đối mặt với nguy cơ tái phát bệnh. Dữ liệu nghiên cứu cho biết, khoảng 13% nam giới và 40% nữ giới có khả năng mắc lại bệnh trong vòng 5 năm sau cơn nhồi máu cơ tim đầu tiên. Những người này cũng đối diện với nguy cơ mắc suy tim cao hơn so với người không bị bệnh tim.

Khả năng sống sót của người bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian phát hiện bệnh, quá trình cấp cứu ban đầu, phương pháp điều trị nhồi máu cơ tim và quá trình chăm sóc phục hồi sức khoẻ của bệnh nhân.

6. Đối tượng dễ mắc bệnh

Các đối tượng sau nên cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, xây dựng lối sống khoa học để bảo vệ sức khỏe tim mạch của mình, do tỷ lệ mắc bệnh của họ tương đối cao hơn so với những người khác:

● Người bệnh cao huyết áp.

● Bệnh tiểu đường.

● Người từng bị tai biến mạch máu não.

● Người từng bị nhồi máu cơ tim, tiền sử gia đình mắc bệnh về động mạch vạch sớm.

● Bệnh thận mạn hoặc tiền căn bệnh tự miễn.

● Tiền sử tiền sản giật hoặc tiểu đường thai kỳ.

● Tăng cholesterol, nồng độ triglyceride máu cùng các triệu chứng rối loạn lipid máu

● Lớn tuổi (khoảng trên 40 tuổi).

● Người bị béo phì hoặc thừa cân có chỉ số BMI ≥23.

● Hút thuốc lá.

● Người lười vận động.

Người thường xuyên hút thuốc lá dễ mắc bệnh nhồi máu cơ tim

7. Phòng ngừa nhồi máu cơ tim

Người bệnh nên tìm hiểu kỹ về căn nguyên gây bệnh để có hướng phòng tránh tốt cho bản thân và gia đình.

● Chế độ ăn uống và việc tập thể dục đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch liên quan đến nguyên nhân xơ vữa động mạch vành. Các thói quen ăn uống lành mạnh và chế độ luyện tập đều đặn đã được chứng minh hiệu quả trong việc góp phần vào việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành. Tuy nhiên, đối với những người đã cố gắng thay đổi lối sống nhưng vẫn chưa kiểm soát được các yếu tố nguy cơ, việc tuân thủ theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa là vô cùng quan trọng.

● Bỏ thuốc lá.

● Giảm rượu bia.

● Giảm cân, duy trì BMI dưới 23 kg/m2.

Như vậy, nhồi máu cơ tim vô cùng nguy hiểm có thể đe doạ tính mạng người bệnh. Chẩn đoán sớm có vai trò quan trọng trong việc kịp thời cứu sống vùng cơ tim bị thiếu máu và hạn chế xuất hiện những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng cũng như các biến chứng về sau. Vì vậy, nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nhồi máu cơ tim nào, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ ngay lập tức để được điều trị một cách tốt nhất.

ĐA KHOA QUỐC TẾ VIỆT - NGA
ВЬЕТНАМСКО- РОССИЙСКАЯ МЕЖДУНАРОДНАЯ МНОГОПРОФИЛЬНАЯ КЛИНИКА

Địa chỉ: Số 4-5 nhà C2, Làng Quốc tế Thăng Long, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội 
(Link Google Maps)
Hotline: 1900 3130
ZaloOA: https://zalo.me/ytevietnga
GMap: https://goo.gl/maps/6xumLezfPRU6YPhV6

*** Khi có những biểu hiện bất thường, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời. Để được tư vấn và đặt lịch thăm khám tại Đa khoa Quốc tế Việt - Nga, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 1900 3130.

#nhồi_máu_cơ_tim

Bài trước Bài sau
1900 3130 Đặt lịch